Đáo hạn là một thuật ngữ quen thuộc trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt với những ai tham gia gửi tiết kiệm, vay vốn ngân hàng hoặc đầu tư. Hiểu rõ về ngày đáo hạn giúp bạn quản lý tài chính hiệu quả, tránh rủi ro không mong muốn.
Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm đáo hạn ngân hàng cũng như những điều cần lưu ý khi đến ngày thanh toán hợp đồng hoặc khoản vay.
1. Đáo hạn ngân hàng là gì?
Đáo hạn ngân hàng là thời điểm đến hạn thanh toán khoản vay hoặc hợp đồng gửi tiết kiệm theo quy định của ngân hàng. Ngày đáo hạn được ghi rõ trong hợp đồng mà khách hàng đã ký kết, là thời điểm cuối cùng để hoàn tất nghĩa vụ tài chính.
Dịch vụ đáo hạn ngân hàng thường được sử dụng để gia hạn thêm thời gian vay hoặc tất toán khoản vay, giúp khách hàng cân đối tài chính và tránh bị liệt vào nhóm nợ xấu. Việc chủ động nắm bắt thời điểm đáo hạn sẽ giúp bạn có kế hoạch tài chính hợp lý và đảm bảo các nghĩa vụ với ngân hàng.

Tuy nhiên, việc sử dụng đáo hạn ngân hàng thường xuyên có thể sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng trên hệ thống CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia) nên khách hàng cần xem xét và lựa chọn hình thức đáo hạn phù hợp với nhu cầu của bản thân.
2. Những hình thức đáo hạn
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, có nhiều hình thức đáo hạn khác nhau để khách hàng lựa chọn. Dưới đây là thông tin về 2 hình thức phổ biến: đáo hạn gửi tiết kiệm và đáo hạn khoản vay.
2.1. Đáo hạn gửi tiết kiệm
Đáo hạn sổ tiết kiệm là thời điểm mà kỳ hạn gửi tiết kiệm của bạn kết thúc. Khi đến ngày đáo hạn, khách hàng có thể lựa chọn rút tiền gốc và lãi, gia hạn thêm kỳ hạn mới hoặc chuyển sang hình thức tiết kiệm khác. Nếu khách hàng không đến ngân hàng làm thủ tục nhận tiền thì ngân hàng sẽ tiếp tục gia hạn khoản tiền gửi với lãi suất tính theo số tiền ở thời điểm hiện tại.
Đặc biệt, đáo hạn gửi tiết kiệm thường được áp dụng với lãi suất hấp dẫn và có thời hạn linh hoạt, từ một tháng đến nhiều năm, giúp người gửi có kế hoạch tiết kiệm rõ ràng. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần phải xem xét kỹ về điều khoản liên quan đến đáo hạn sổ tiết kiệm để đảm bảo lựa chọn được hình thức phù hợp với mục tiêu tài chính trong tương lai.
2.2. Đáo hạn khoản vay
Đáo hạn khoản vay là thời điểm kết thúc thời hạn vay và người vay cần hoàn trả lại số tiền gốc cùng với lãi suất theo thỏa thuận ban đầu. Tại thời điểm này, khách hàng có thể đàm phán để gia hạn thêm thời gian hoặc vay thêm khoản mới để tất toán khoản nợ cũ. Trước khi đáo hạn, người vay nên chủ động có kế hoạch tài chính rõ ràng để đảm đảo có thể thanh toán khoản vay đúng hạn.

3. Rủi ro khi đáo hạn ngân hàng
Mặc dù đáo hạn ngân hàng mang lại nhiều lợi ích, nhưng khách hàng cũng cần lưu ý một số rủi ro có thể gặp phải:
- Không được ngân hàng tái cấp vốn: Nếu khách hàng có lịch sử trả nợ không tốt, tình hình tài chính không ổn định hoặc hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, ngân hàng có thể từ chối gia hạn hoặc cấp thêm vốn.
- Thiếu nguồn tài chính để đáo hạn: Đối với các khoản vay ngắn hạn, người vay thường chỉ trả lãi định kỳ và thanh toán toàn bộ tiền gốc vào cuối kỳ. Điều này có thể tạo ra áp lực tài chính lớn, đặc biệt nếu khách hàng chưa có kế hoạch trả nợ rõ ràng.
4. Thủ tục và quy trình đáo hạn ngân hàng
Thủ tục và quy trình đáo hạn sẽ khác nhau tùy vào từng loại hình, cụ thể như sau:
4.1. Đối với đáo hạn gửi tiết kiệm
Khi sổ tiết kiệm đến ngày đáo hạn, khách hàng cần chuẩn bị:
- Giấy tờ tùy thân (CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực).
Sau đó, đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch ngân hàng để thực hiện thủ tục. Nhân viên ngân hàng sẽ hướng dẫn các lựa chọn phù hợp như rút tiền, gia hạn hoặc chuyển đổi sang sản phẩm tiết kiệm khác.
4.2. Đối với đáo hạn khoản vay
Để thực hiện đáo hạn khoản vay, khách hàng cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Giấy tờ tùy thân (CCCD/CMND/Hộ chiếu còn hiệu lực).
- Hợp đồng vay vốn.
- Sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh địa chỉ.
- Giấy tờ chứng minh tài sản thế chấp (nếu có).
Khách hàng mang đầy đủ hồ sơ đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng để làm thủ tục đáo hạn. Nhân viên ngân hàng sẽ hướng dẫn hoàn thiện các bước cần thiết để đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi.

Trong trường hợp khách hàng là doanh nghiệp, cần bổ sung thêm giấy đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đã hoạt động trên 24 tháng, giấy phép thành lập và con dấu hợp lệ của doanh nghiệp.
Lưu ý: Tất cả các giấy tờ trên đều phải được photo công chứng hoặc mang theo giấy tờ gốc để nhân viên ngân hàng xác minh và đối chiếu.
5. Chi phí đáo hạn ngân hàng là bao nhiêu?
Mức chi phí đáo hạn sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm của ngân hàng. Với đáo hạn sổ tiết kiệm, thông thường bạn sẽ không mất phí. Tuy nhiên, đối với đáo hạn khoản vay, khách hàng có thể phải trả một khoản phí nếu gia hạn nợ hoặc vay thêm. Cụ thể, đối với vay thế chấp thì phí dao động trong khoảng 0,3 – 0,5%/ngày, còn đối với vay tín chấp thì phí sẽ cao hơn một chút, khoảng 0,5 – 0,7%/ngày.
6. Những lưu ý khi đáo hạn ngân hàng
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi đáo hạn ngân hàng bạn cần nắm rõ để tránh những rủi ro không đáng có:
- Lựa chọn hình thức đáo hạn phù hợp: Hãy cân nhắc và lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện tài chính và nhu cầu của bạn thân. Ví dụ, nếu bạn là người có thu nhập ổn định và muốn giảm tổng lãi phải trả, hãy chọn hình thức trả gốc và lãi hàng tháng. Trong trường hợp bạn cần giữ lại tiền cho các mục tiêu ngắn hạn và có kế hoạch tài chính cụ thể cho tương lai, hãy cân nhắc hình thức trả lãi hàng tháng và trả gốc cuối kỳ.
- Theo dõi ngày đáo hạn: Bạn nên chú ý theo dõi ngày đáo hạn để tránh trường hợp bị gia hạn tự động mà không nắm rõ được mức lãi suất mới. Hãy tạo thói quen kiểm tra ngày đáo hạn ít nhất 1 – 2 tháng trước khi khoản vay hoặc khoản đầu tư đến hạn. Bạn có thể sử dụng ứng dụng lịch, công cụ quản lý tài chính hoặc cài đặt nhắc nhở trong điện thoại để theo dõi ngày đáo hạn dễ dàng.

- Thảo luận với ngân hàng: Nếu không thể thanh toán khoản vay đúng hạn, hãy trao đổi với ngân hàng để được hỗ trợ phương án tối ưu nhất. Cụ thể, bạn có thể gia hạn thời gian trả nợ, chuyển khoản vay sang hình thức trả góp mới, đàm phán về lãi suất, thỏa thuận tạm ngừng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định hoặc chuyển đổi khoản vay sang ngân hàng khác với những ưu đãi và điều kiện tốt hơn.
- Chuẩn bị giấy tờ đầy đủ: Bạn nên mang theo CCCD/CMND/Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng, hợp đồng vay vốn, sổ hộ khẩu, giấy tờ chứng minh tài sản (nếu có) đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch gần nhất của ngân hàng. Việc chuẩn bị sẵn giấy tờ cần thiết khi đáo hạn ngân hàng sẽ giúp quá trình đáo hạn diễn ra nhanh chóng và thuận lợi hơn.
7. Những câu hỏi thường gặp khi đáo hạn ngân hàng
Trong quá trình tìm hiểu về đáo hạn ngân hàng, khách hàng thường có những thắc mắc phổ biến như sau:
7.1. Có thể đáo hạn nếu đang có nợ xấu không?
Nếu khách hàng có nợ xấu, việc đáo hạn khoản vay sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng có thể từ chối gia hạn hoặc đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn để đảm bảo khả năng trả nợ. Vì vậy, trước khi đến hạn thanh toán, khách hàng nên chủ động lên kế hoạch tài chính để tránh rơi vào nhóm nợ xấu.
7.2. Ngày đáo hạn trùng với ngày lễ hoặc cuối tuần thì sao?
Nếu ngày đáo hạn rơi vào ngày lễ hoặc cuối tuần, ngân hàng sẽ tự động gia hạn đến ngày làm việc tiếp theo mà không áp dụng phí phạt hay phát sinh lãi suất. Tuy nhiên, khách hàng vẫn nên kiểm tra trước với ngân hàng để đảm bảo thông tin chính xác.
7.3. Quy định về việc tự động gia hạn hoặc chuyển sang sản phẩm khác
Trong trường hợp khách hàng không đến giao dịch vào ngày đáo hạn, ngân hàng thường sẽ tự động gia hạn khoản tiết kiệm với kỳ hạn tương tự và áp dụng mức lãi suất tại thời điểm đó. Tuy nhiên, lãi suất mới có thể không ưu đãi bằng lãi suất trước đó. Vì vậy, khách hàng cần kiểm tra và cân nhắc trước khi để sổ tiết kiệm tự động gia hạn.
Trên đây là những thông tin tổng hợp giúp khách hàng hiểu rõ hơn về đáo hạn ngân hàng, từ khái niệm, các hình thức, rủi ro đến quy trình thực hiện. Nắm vững những kiến thức này sẽ giúp khách hàng đưa ra quyết định tài chính phù hợp và tránh những rủi ro không đáng có.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, khách hàng có thể liên hệ ngân hàng để được tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng.